Cẩn trọng khi bắn Laser nhằm loại bỏ biến chứng giảm sắc tố sau laser

Điều trị giảm sắc tố sau laser là một thách thức lớn vì vậy cần lưu ý khi dùng thiết bị laser

Những năm gần đây, xu thế làm đẹp phát triển nhanh mạnh ở Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu đó nhiều cơ sở thẩm mỹ xuất hiện, nhiều máy laser được sử dụng. Nhiều cơ sở điều trị rám má bằng laser toning để điều trị rám má, có khi “bắn laser” hàng ngày hoặc vài ngày 1 lần. Nhưng một thời gian xuất hiện đốm trắng (giảm sắc tố), xen kẽ với đám tăng sắc tố nâu đen của rám má. Điều trị giảm sắc tố sau laser là một thách thức lớn vì vậy cần lưu ý khi dùng thiết bị laser

– Giảm sắc tố sau laser toning:

Tỷ lệ giảm sắc tố gặp từ 0 – 13,6% tùy từng nghiên cứu. Theo nghiên cứu lớn nhất của Kim tỷ lệ gặp giảm sắc tố thấp 1,6%. Đặc điểm lâm sàng đặc trưng là giảm sắc tố từng chấm trên nền tăng sắc tố, được gọi là tăng giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy (confetti-like depigmentation). Chia làm 2 type theo Sugawara
+ Type I: Phụ thuộc vào số lần điều trị laser: càng điều trị nhiều lần càng dễ bị. Ban đầu là những tổn thương nhỏ có thể phát hiện sớm trên chụp mặt. Phát hiện muộn, tổn thương thường lớn, khó hồi phục.
+ Type II: Không phụ thuộc vào số lần điều trị: có thể gặp sau bất kì lần điều trị nào. Nhiều ổ, kích thước lớn và không phát hiện sớm bằng chụp mặt. Thường tự phục hồi sau vài tháng.

– Giảm sắc tố sau laser Q-switched:

Trong nghiên cứu điều trị bớt Ota bằng laser Q-switched thấy tỷ lệ giảm sắc tố sau Q-switched ruby, Q-switched alexandrite, Q-switched Nd:YAG lần lượt là 16,8%, 10,5% và 7,6%. Yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ giảm sắc tố là số lần điều trị, khả năng hấp thụ bởi melanin của từng loại laser. Laser ruby được hấp thụ bởi melanin nhiều nhất vì bước sóng 694nm gần với đỉnh hấp thụ của melanin, Laser Nd:YAG có bước sóng 1064nm xa đỉnh hấp thụ của melanin nhất nên tỷ lệ giảm sắc tố sau laser thấp. Vì những điều ở trên những bệnh nhân bị bạch biến thể lan tỏa có thể dùng laser Q-switched ruby để làm giảm sắc tố những vùng da lành để làm cho da đồng đều màu sắc hơn.

– Giảm sắc tố sau laser CO2 trẻ hóa cổ điển

Nghiên cứu điều trị nám lên tới 22%, xuất hiện chậm 6 – 12 tháng sau laser. Tuy nhiên những năm gần đây thường sử dụng laser CO2 fractional nên tỷ lệ giảm sắc tố giảm đi rất nhiều.

Điều trị:

Giảm sắc tố sau laser toning với type I rất khó, biện pháp gồm

+ Liệu pháp ánh sáng sử dụng NB-UVB (bước sóng 311 nm) có tác dụng, tuy nhiên có thể làm tăng sắc tố vùng rám má lên. Vì thế, cần tư vấn trước cho khách hàng, và chú ý dùng các biện pháp hạn chế tác dụng phụ này.
+ Tacrolimus 0,1% ngày 2 lần trong thời gian dài. Hiệu quả chỉ 1 phần.
+ Thực tế lâm sàng cần phối hợp cả ánh sáng trị liệu và thuốc bôi. Tuy nhiên cần khá nhiều thời gian để điều trị.
– Các biện pháp điều trị tình trạng này

Vì việc điều trị khá là khó khăn và lâu dài nên việc dự phòng, tiên lượng cho khách hàng là yếu tố quyết định để giúp hạn chế tối đa việc xuất hiện tác dụng phụ này. Các biện pháp gồm
+ Với laser toning điều trị rám má nên điều trị 2 tuần 1 lần, một số tác giả khuyến cáo không nên điều trị quá 10 lần/1 liệu trình điều trị. Trước mỗi lần điều trị nên chụp mặt có chế độ đèn cực tím, giả cực tím hoặc dùng máy soi da để phát hiện những tổn thương nhỏ để quyết định dừng điều trị bằng laser.
+ Chọn loại laser đúng cho từng loại tổn thương sắc tố.
+ Thay thế laser trẻ hóa cổ điển bằng laser CO2 fractional.

Tài liệu tham khảo

1. Yeo Y.W.P. and U.C. (2015). Mottled Hypopigmentation from Laser Toning in the Treatment of Melasma: A Catastrophic or Manageable Complication?. Medical Lasers. 4(2). 45–50.
2. Jung HM (2017). Treatment of Laser Therapy-Induced Punctate Leukoderma Using a 308-nm Excimer Laser. Ann Dermatol Vol. 29, No. 5.
3. Kim HS, Jung HD, Kim HO, Lee JY, Park YM. Punctate leucoderma after low-fluence 1,064-nm quality-switched neodymium-doped yttrium aluminum garnet laser therapy successfully managed using a 308-nm excimer laser. Dermatol Surg 2012;38:821-823.

Trả lời

ĐK tư vấn
error: Content is protected !!
0989 342 343