Trị nám với Tranexamic acid (TA)

tri-nam-voi-tranexamic-acid-thanh-phan-gi-nghe-la-vay-thumbnail

Trị nám với Tranexamic acid? Thành phần gì nghe lạ vậy?

Nám da (Melasma) là một dạng rối loạn sắc tố phổ biến, được nhận diện bằng các mảng sắc tố không đều màu và thường xảy ra đối với các phụ nữ da màu hơn. Đây là một tình trạng mãn tính thường tái đi tái lại và dễ gây ra các tác động tiêu cực về tâm lý xã hội ở những người bị ảnh hưởng. Các phương pháp thường được dùng để trị nám như Hydroquinone, Kojic acid, retinoids và một số phương pháp khác cho thấy hiệu quả đôi khi không nhất quán và có một số tác dụng phụ [13]. Tranexamic acid (TA) là một tác nhân mới nổi lên với khả năng điều trị nám. Vậy TA có thật sự hiệu quả hay không? Hãy đọc bài bên dưới để biết chi tiết bạn nhé!
h1|Định nghĩa và cơ chế
h2|Định nghĩa

Tranexamic acid (TA) (trans-4-aminomethyl cyclohexane carboxylic acid) là một chất ức chế plasmin được sử dụng để ngăn chặn phân huỷ sợ huyết và do đó được làm chất cầm máu, điều trị và ngăn ngừa chảy máu quá nhiều. Nó là một dẫn xuất tổng hợp của amino acid lysine và phát huy tác dụng bằng cách ngăn chặn đảo ngược các vị trí liên kết lysine trên phân tử plasminogen, do đó ức chế chất hoạt hóa plasminogen (PA) chuyển plasminogen thành plasmin.[1,4]

Tranexamic acid lần đầu tiên được tạo ra vào năm 1962 bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Vào năm 1979, nó được phát hiện là có tác dụng đối với nám da [1]. Hiện nay nó nằm trong danh sách các loại thuộc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới [O1]

Có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng Tranexamic acid làm giảm truyền máu (blood transfusion) trong phẫu thuật trong nhiều năm. Tranexamic acid cũng được cho là có ảnh hưởng đến các biến cố huyết khối tắc mạch và tử vong, tiu nhiên cần nhiều thông tin hơn [2]

Trong mỹ phẩm, Tranexamic acid được sử dụng chủ yếu với mục đích trị nám. Ngoài ra, các ứng dụng tiềm năng của TA cũng bao gồm chữa trị tăng sắc tố sau viêm và chứng đỏ da rosacea (thực tế TA đường uống và đường bôi tại chỗ cũng đc báo cáo là cải thiện bệnh đỏ da rosacea), mặc dù còn cần nhiều dữ liệu nghiên cứu hơn cho các ứng dụng này [14]

h2|Cơ chế hoạt động
h3|Ngắn gọn về cơ chế của nám

Nám là một vấn đề thường gặp của da và gây ảnh hưởng thẩm mỹ khá lớn. Có rất nhiều yếu tố tác động đến nám da và nghiên cứu về nám da vẫn đang diễn ra với nhiều thông tin mới [15]. Nói ngắn gọn thì một số yếu tố được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra nám da là: Gene di truyền, tiếp xúc với tia cực tím (UV) và rối loạn hormone nữ. Gần đây, sự tham da của quá trình viêm trong quá trình phát triển nám cũng đã được xem xét đến [15]. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa mạch máu da và tế bào hắc tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của sắc tố da và cho rằng sự gia tăng mạch máu là một trong những phát hiện quan trọng trong nám [16], tuy nhiên vai trò của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ rõ ràng [15].

h3|Vậy thì Tranexamic acid cải thiện nám da như thế nào?

Sự giải phóng trong tế bào của arachidonic acid (AA) – một tiền chất của prostanoid, và mức độ hormone kích thích alpha-melanocyte tăng lên do hoạt động của plasmin. Hai chất này có thể kích hoạt quá trình tổng hợp của melanin. Do đó, hoạt tính chống plasmin của TA có thể gián tiếp làm giảm 2 yếu tố này và được coi là cơ chế chính trong khả năng cải thiện sắc tố của hoạt chất này [6]

Các báo cáo trước đây cũng cho rằng TA giúp giảm ban đỏ ở da nám vì nó có liên quan đến việc giảm số lượng mạch ở lớp hạ bì. Ngoài ra, tác dụng chống tạo mạch hoặc chống viêm của TA đã được báo cáo [7], và gần đây nám cũng được xem là có liên quan đến sự gia tăng mạch máu cũng như quá trình viêm [15], do đó TA cũng được xem là có thể hỗ trợ 2 vấn đề này trong quá trình hình thành viêm.

Cụ thể hơn theo trích dẫn từ [4], năm 1998, Maeda và cộng sự phát hiện rằng bôi TA trên da tiếp xúc với tia UV có thể có tác dụng ngăn ngừa sắc tố gây ra bởi UV từ 7 ngày trở đi và điều này phụ thuộc theo liều lượng (liều lượng càng cao thì khả năng ngăn ngừa càng tốt). Họ cũng chỉ ra rằng TA không có tác dụng trên làn da khỏe mạnh và không tiếp xúc với TA. Họ cũng chỉ ra rằng TA đường bôi làm giảm sắc tố da arachidonic acid (AA) gây ra và điều này cũng phụ thuộc vào liều lượng. Tia UV có thể gây ra sự tổng hợp chất hoạt hóa plasminogen (PA) và hoạt động của Plasmin trong tế bào sừng được nuôi cấy. Plasmin kích hoạt tiền chất của phospholipase A2, tham gia sản xuất AA từ phospholipid màng – tiền chất của prostaglandin E2 và leukotrienes (LK) – và từ đó hình thành sắc tố. Plasmin cũng tham gia vào việc giải phóng yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản – fibroblast growth factor (FGF) – và đây cũng là một yếu tố tăng trưởng tế bào sắc tố mạnh mẽ. Do đó, tác giả cho rằng TA ức chế hoạt động của plasmin do tia UV gây ra trong tế bào sừng và từ đó bằng cách ngăn chặn sự liên kết plasminogen thành keratinocyte (tế bào sừng), dẫn đến ít AA tự do và sau đó là làm giảm sản sinh sắc tố [4] và các tác giả sau này cũng đồng tình, ví dụ [6,13,14]

h3|Vậy TA có khác gì so với các phương pháp điều trị nám hiện nay?

Hiện tại các phương pháp điều trị nám hiệu quả là Hydroquinone, peel AHA (Glycolic), laser IPL (Intense pulsed light), laser low-fluence Qswitched Nd:YAG (1064 nm) và laser siêu vi điểm (fractional resurfacing lasers). Bởi vì không có phương pháp duy nhất để có thể kiếm soát nám một cách triệt để, mỹ phẩm bôi ngoài da thường được dùng kèm thêm với các phương pháp trên. Một số tác nhân bôi ngoài da phổ biến được dùng là Azelaic acid, kojic acid, ascorbic acid, arbutin, Chiết xuất cam thảo (licorice extract) và chiết xuất đậu nành (soy extract). Tất cả các phương pháp điều trị nám trước nay (tính đến năm 2013) đều nhằm mục đích giảm sự hình hành melanin từ tế bào hắc tố melanocyte (chủ yếu các tác nhân bôi sẽ nhằm mục đích này) và các phương pháp như peel da và các loại laser sẽ chủ yếu nhằm mục tiêu loại bỏ các sắc tố melanin đã tồn tại từ trước.

Tuy nhiên, các phương pháp này chắc chắn có thể kích thích tế bào hắc tố do các phản ứng kích ứng, phản ứng viêm khác nhau hoặc do chấn thương đối với tế bào sừng dẫn đến tái phát nám hoặc tăng sắc tố sau viêm [4] (ý là các phương pháp xâm lấn hay bôi ngoài da có tác dụng phụ là kích ứng da và có thể gây viêm da, từ đó lại có thể kích thích nám :(( ). Theo tác giả [4], Tranexamic acid hiện tại là phương thức duy nhất có thể ngăn chặn sự kích hoạt của tế bào hắc tố bởi ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng của nội tiết tố và tế bào sừng bị thương thông qua ức chế hệ thống kích hoạt PA đã nhắc đến ở trên. Nó không chỉ có thể làm giảm sự hình thành của nám mà còn giảm khả năng tái phát nám sau khi sử dụng các phương pháp điều trị khác

h1|Các cách sử dụng Tranexamic acid

Tranexamic acid được sử dụng chữa trị nám đầu tiên là thông qua đường uống, sau đó các nghiên cứu về đường tiêm qua da và đường bôi cũng được thực hiện trong những năm gần đây. Hãy cùng mình tìm hiểu tất cả các cách sử dụng này nhé

h2|Đường uống

a) Một số số liệu nghiên cứu về hiệu quả của TA

Vào năm 1979, Nijo Sadako đã cố gắng sử dụng TA để điều trị cho một bệnh nhân bị mày đay mãn tính (chronic urticaria) bởi vì giai đoạn đó TA được cho là có tác dụng này. Một cách tình cờ, nhà nghiên cứu này nhận thấy mức độ nám da của bệnh nhân đó đã giảm đáng kể sau 2 – 3 tuần điều trị. Sau đó, nhà nghiên cứu đã thử nghiệm TA trên các bệnh nhân bị nám và cho thấy rằng 1,5g TA đường uống hàng ngày kèm với vitamin B,C và E trong 5 tháng có phản ứng cải thiện nám rõ ràng trong ở 11/12 bệnh nhân với độ tuổi từ 30-69. Hầu hết các hiệu quả được nhận thấy trong vòng 4 tuần đầu điều trị. Trong khoảng thời gian những năm này, cơ thể ảnh hưởng của TA lên nám vẫn chưa được biết rõ [4].

Sau này, một số nghiên cứu khác cũng được diễn ra để đánh giá hiệu quả của TA đường uống đối với nám, ví dụ một số nghiên cứu sau

+ Để nghiên cứu hiệu quả của TA dạng uống với các liệu pháp bôi ngoài da thông thường để điều trị nám, nghiên cứu tiền cứu, đối chứng ngẫu nhiên được thực hiện trên 260 bệnh nhân bị nám vào năm 2012. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 130 người. Nhóm đầu tiên (nhóm A) được sử dụng các biện pháp trị nám thông thường (bôi Hydroquinone và kem chống nắng) và uống kèm TA trong khi nhóm thứ hai (nhóm B) chỉ được điều trị bằng các biện pháp bôi ngoài da thông thường (HQ + kem chống nắng). Nhóm A uống TA với liều 250mg 2 lần mỗi ngày trong 3 tháng và sau đó theo dõi tiếp 3 tháng. Đánh giá nám dựa trên thang đo MASI và điểm số được so sánh giữa 2 nhóm (nói ngắn gọn, thang MASI đánh giá mức độ nám da và điểm càng cao thì có nghĩa là nám càng nặng). Sự cải thiện đáng kể trong số điểm MASI được quan sát thấy ở tuần 8 và 12 ở nhóm A (từ 11,08 ± 2,91 ở ban đầu so với 8,95 ± 2,08 ở tuần thứ 8 và so với 7,84 ± 2,44 ở tuần 12). Trong khi đó ở nhóm B, điểm MASI giảm ở tuần thứ 8 nhưng sau đó không có cải thiện đáng kể ở tuần 12 (từ 11.60±3.40 ban đầu đến 9.9±2.61 ở tuần thứ 8 và 9.26±3 ở tuần 12) [1].

+ Một nghiên cứu khác [18] có 44 bệnh nhân tham gia cũng cho thấy hiệu quả của TA đường uống khi bổ trợ với liệu pháp bôi trị nám, trong trường hợp này là hỗn hợp HQ 2%, tretinoin 0,05 và fluocinolone acetonide 0.01% trong 8 tuần. Kết quả cho thấy nhóm có sử dụng thêm TA đường uống thì đạt được hiệu quả trị nám rõ rệt hơn và đồng thời sau 6 tháng theo sau đó không bị tái lại. Từ đó cho thấy TA đường uống có thể là liệu pháp bổ trợ hiệu quả cho các phương pháp điều trị nám bằng thuốc bôi.

+ Một nghiên cứu khác vào năm 2012 cũng được diễn ra. Nghiên cứu bao gồm 74 bệnh nhân và họ được sử dụng liều 250mg 2 lần mỗi ngày trong thời gian điều trị 6 tháng và tiếp tục được theo dõi sau đó 6 tháng. Kết quả điều trị được đánh giá bởi 2 bác sĩ độc lập và bệnh nhân dựa trên sử cải thiện sắc tố và mức độ giảm trong kích thước nám. Kết quả được chia thành 4 mức: Xuất sắc, tốt, khá và kém. Sau 6 tháng điều trị, kết quả đạt được là: xuất sắc (10,8%, 8/74), tốt (54%, 40/74), khá (31,1%, 23/74) và kém (4,1%, 3 / 74). Một số tác dụng phụ của TA như đau bụng, khó chịu đường tiêu hóa (5,4%) và giảm kinh (8,1%) đã được quan sát thấy nhưng không có biến chứng nặng nào xảy ra. Tuy nhiên sau 6 tháng follow-up thì ghi nhận có 7 trường hợp tái phát nám (9,5%) [3]

+ Nghiên cứu lớn nhất về Tranexamic đường uống trong việc điều trị nám da là một retrospective chart review (nghiên cứu đánh giá hồi cứu) trên 561 bệnh nhân nám da được điều trị bằng tranexamic acid tại một trung tâm ở Singapore. Hơn 90% bệnh nhân đã được điều trị nám trước đó, bao gồm các loại kem có khả năng “tẩy trắng” (bleaching cream) và các phương pháp sử dụng năng lượng (laser, ánh sáng….) (energy-based treatment). Trong số những bệnh nhân được uống axit tranexamic trong thời gian 4 tháng, 90% bệnh nhân đã cho thấy được sự cải thiện về mức độ nám da. 7% bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ; tác dụng phụ thường gặp nhất là đầy hơi và đau bụng (2% bệnh nhân gặp phải). Đáng chú ý, 1 bệnh nhân đã phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu trong quá trình điều trị và sau đó được phát hiện bị thiếu protein S [14]

Từ những nghiên cứu trên, chúng ta có thể suy ra liều dùng thông thường của TA trong đường uống có hiệu quả là 250mg/lần và uống 2-3 lần mỗi ngày, và thấp hơn nhiều so với liều dùng để chữa trị rong kinh hay bệnh bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông, ưa chảy máu) (lần lượt là 30-40mg/kg và 3900mg [14]). Và thời gian thông thường để thấy hiệu quả lâm sàng là 1 tháng. Ngoài ra, thời gian điều trị chứ dài sẽ mang lại hiệu quả cao hơn chứ không phải là liều dùng cao [4]

b) Hạn chế

Các tác dụng phụ thường được báo cáo của TA là buồn nôn hoặc tiêu chảy. Không có hoạt động gây đột biến hoặc tác dụng có hại cho thai nhi được báo cáo. Một số tác dụng phụ không mong muốn bao gồm sốc phản vệ, phản ứng da và hoại tử vỏ thận cấp tính. TA không ảnh hưởng đến các thông số đông máu. Trong một số nghiên cứu ngẫu nhiên về bệnh nhân phẫu tim tim liên quan đến cardiopulmonary bypass, không có sự sự gia tăng tần suất biến cố huyết khối nào được báo cáo, ngoài ra cũng không có xu hướng rối loạn chảy máu ở 256 phụ nữ mang thai sử dụng TA. Ngoài ra trong 2 nghiên cứu bệnh chứng, việc sử dụng TA để điều trị rong kinh không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với nguy cơ gây ra huyết khối tĩnh mạch. [4]. Ngoài ra, các tác dụng phụ nguy hiểm của TA (ví dụ: Huyết khối tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và thuyên tắc phổi) thường được gặp khi bệnh nhân sử dụng TA với công dụng cầm máu và thông thường với công dụng này họ phải sử dụng liều cao hơn nhiều so với liều dùng để trị nám. Ngoài ra, TA cũng được chống chị định cho các bệnh nhân có thị lực màu bị khiếm khuyết, bệnh nhân có tình trạng đông máu nội mạch và quá mẫn cảm với TA. Do đó, việc xét nghiệm và lựa chọn bệnh nhật thích hợp để loại trừ các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng đông máu là điều quan trọng hàng đầu trước khi bắt đầu điều trị với TA [1]

Do đó, TA dường như rất an toàn và nguy cơ huyết khối trên lý thuyết là rất thấp. Nguy cơ có thể cao hơn nếu bệnh nhân đã có sẵn bệnh tật, tuổi già, đã sử dụng các loại thuốc tạo huyết khối khác (ví dụ, thuốc viên tránh thai), hoặc sử dụng TA liều rất cao và trong thời gian dài. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các chống chỉ định khác của việc sử dụng TA nên là: Mang thai, cho con bú, bệnh mạch vành, các vấn đề về đông máu, bệnh nhân đang điều trị hiện tại bằng thuốc làm loãng máu, ví dụ, aspirin, Plavix, v.v., và quá kỳ vọng vào kết quả điều trị [4]

Bệnh nhân nên được khám, kiểm tra và tư vấn về các nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi trước khi bắt đầu điều trị [14]

=> Kết luận: Bài review [8] cho rằng TA đường uống đã bắt đầu có nhiều triển vọng trong điều trị nám. Có 9 nghiên cứu hoàn thành trong các năm từ 2011 đến 2016, tuy nhiên không có nghiên cứu nào có nhóm đối chứng dùng giả dược. Tuy vậy, tất cả đều mang lại kết quả tốt và được đánh giá qua điểm MASI và sự hài lòng của bệnh nhân. Kể từ năm 2016 đến 2019 thì có thêm 3 thử nghiệm lâm sàng được bổ sung. Một trong những nghiên cứu này (thiếu nhóm giả dược) cho thấy điểm MASI cải thiện 69% khi uống TA. Tuy nhiên, 72% bệnh nhân bị tái phát nám trong vòng hai tháng sau khi ngừng sử dụng TA. Điều này xảy ra mặc dù việc sử dụng các sản phẩm bôi ngoài làm sáng da kết hợp với nhau vẫn duy trì (sử dụng từ trước khi điều trị với TA). Del Rosario và cộng sự thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm với giả dược và cho thấy điểm số MASI cải thiện sau 3 tháng sử dụng TA đường uống (49%) so với giả dược (18%). Một lần nữa, những cải thiện ở những bệnh nhân bị nám nặng đã mất đi sau 3 tháng ngừng sử dụng và chỉ chuyển sang dùng kem chống nắng. Mặc dù các nghiên cứu gần đây đã kết hợp việc dùng nhóm giả dược nhưng vẫn cần các nghiên cứu nghiêm ngặt hơn.

Các nghiên cứu trong tương lai nên đánh giá các phương pháp hiệu quả nhất để duy trì lợi ích sau khi điều trị bằng đường uống. Nhìn chung, TA đường uống được dung nạp tốt ở các bệnh nhân [8]

h2|Đường tiêm vào da

Một nghiên cứu khảo sát về việc tiêm TA vào da được thực hiện vào năm 2006. Tổng cộng 100 phụ nữ bị nám da, đã đăng ký tham gia một nghiên cứu thử nghiệm mở tiềm năng kéo dài 12 tuần. Sau khi gây tê tại chỗ, 0,05ml TA (4mg/ml) đã được tiêm vào vùng da tổn thương bởi nám cách nhau 1cm bằng cách sử dụng một ống tiêm insulin 0,5ml với kim cỡ 30. Việc tiêm này được lặp lại hàng tuần trong vòng 12 tuần. Kết quả MASI được ghi nhân ở ban đầu, tuần 4, 8 và 12. Bệnh nhân cũng được làm đánh giá mức độ hài lòng sau 12 tuần.

Kết quả là có 85 bệnh nhân hoàn thành thử nghiệm. Điểm MASI giảm đáng kể từ lúc ban đầu đến tuần 8 và tuần 12 (13.22±3.02 so với 9.02±2.62 ở tuần 8 và so với 7.57±2.54 ở tuần 12). Các bệnh nhân tự đánh giá về sự cải thiện như sau: 8 trong số 85 bệnh nhân (9,4%) đánh giá là tốt (51–75% cải thiện), 65 bệnh nhân (76,5%) đánh giá khá (26–50% cải thiện) và 12 bệnh nhân (14,1%) đánh giá kém (0–25% cải thiện). Các tác dụng phụ ít xảy ra và tất cả các bệnh nhân đều dung nạp tốt với điều trị. [9]

Trong bài review ngắn vào T8/2019 [8], Wang và cộng sự cho rằng: Mặc dù một số dữ liệu có sẵn, hiệu quả của tiêm TA trong da để điều trị nám vẫn cần phải nghiên cứu thêm. Chỉ có một số ít nghiên cứu trên người đã được thực hiện và hầu hết thiếu ý nghĩa thống kê và/hoặc các nhóm đối chứng. Nghiên cứu [9] nghiên cứu 100 phụ nữ tiêm TA trong da hàng tuần trong 12 tuần, sau 8 tuần và 12 tuần thì điểm MASI giảm. Tương tự, nghiên cứu của Elfar and El-Maghraby đánh giá 60 phụ nữ được tiêm TA trong da hàng tuần hoặc sử dụng kem silymarin hoặc sử dụng glycolic acid peel. Trong khi tất cả các nhóm đều cải thiện điểm MASI đáng kể thì nhóm tiêm TA cho thấy sự cải thiện ít nhất. Một nghiên cứu gần đây của Saki và cộng sự so sánh bôi HQ 2% và tiêm TA trong 3 tháng như đã trích dẫn ở trên [12] thì TA cho kết quả vượt trội lúc ban đầu tuy nhiên sau 20 tuần thì kết quả giữa 2 nhóm tương tự. Do đó, cần có thêm các thử nghiệm mù đôi lớn, có đối chứng để đánh giá kỹ lưỡng vai trò của tiêm TA [8].

h2|Lăn kim

Một nghiên cứu tiền cứu, ngẫu nhiên, mở với cỡ mẫu là 60 được thực hiện vào năm 2013. Đối tượng nghiên cứu là tay của các tình nguyện viên và họ được chia thành 2 nhóm. Ba mươi bệnh nhân được tiêm TA vi cục bộ ở một cánh tay, và 30 bệnh nhân khác được lăn kim (microneedling) và sau đó thoa TA. Quy trình được thực hiện trong khoảng tời gian hàng tháng (tuần 0, 4 và 8) và được theo dõi trong 3 tháng sau đó. Các hình ảnh lâm sàng được ghi lại tại mỗi lần khám bao gồm đánh giá điểm MASI và các đánh giá cần thiết khác.

Kết quả cho thấy, ở nhóm tiêm có 35,72% cải thiện trong điểm MASI so với 44,41% ở nhóm lăn kim vào cuối lần tái khám thứ 3. 6 bệnh nhân trong nhóm tiêm TA (26,09%) và 12 bệnh nhân (41,38%) trong nhóm lăn kim đạt được sự cải thiện hơn 50%. Các tác dụng phụ lớn không quan sát thấy trong cả 2 nhóm điều trị.

Kết luận: trên cơ sở các kết quả này, nghiên cứu kết luận TA có thể được sử dụng như một tác nhân điều trị nám mới, hiệu quả, an toàn và đầy hứa hẹn. Thuốc có sẵn với giá cả phải chăng. Việc đáp ứng tốt hơn ở nhóm lăn kim có thể là do việc truyền dẫn thuốc được sâu và đồng đều trên da hơn thông qua các kênh vi mô được tạo ra bởi lăn kim [5].

=> Đường lăn kim + thoa TA sẽ hiệu quả hơn tiêm TA vào da

h2|Đường thoa

TA đường bôi trong công thức liposome được phát triển vào năm 2002 và hiện nay có nhiều sản phẩm đường bôi TA được cấp bằng sáng chế trên thị trường mỹ phẩm. Kondou và cộng sự đã công bố một nghiên cứu không kiểm soát vào năm 2007 khám phá tác dụng của nhũ tương chứa 2% TA dạng bôi được áp dụng cho 25 bệnh nhân bị nám trong 5–18 tuần. Kết quả cho thấy rằng nhũ tương TA cải thiện sắc tố ở 20 đối tượng (80%). Không có tác dụng phụ nào được ghi nhận và sự cải thiện được quan sát thấy trong vòng 8 tuần đầu khi sử dụng sản phẩm. Tuy vậy, vào năm 2012, một nghiên cứu nửa khuôn mặt được thực hiện ở Thái Lan với TA 5% sử dụng trên khuôn mặt của 23 phụ nữ trong thời gian 12 tuần. Kết quả không cho thấy hiệu quả của TA và TA gây kích ứng nhiều hơn ở vùng được bôi so với giả dược [4,16].

Một nghiên cứu mù đôi nửa mặt khác kéo dài 12 tuần được thực hiện ở Isfahan, Iran. Năm mươi bệnh nhân người Iran bị nám da bôi dung dịch TA 3% trên một bên mặt, và dung dịch bôi 3% hydroquinone + 0,01% dexamethasone ở bên kia hai lần mỗi ngày. Chỉ số MASI và các tác dụng phụ được đánh giá lúc ban đầu và mỗi 4 tuần. Sự hài lòng của bệnh nhân được ghi nhận vào tuần thứ 12. Kết quả cho thấy điểm MASI giảm đáng kể trong cả 2 nhóm và không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm trong suốt nghiên cứu. Bên cạnh đó, không có sự khác biệt nào về sự hài lòng của bệnh nhận và tình trạng cải thiện nám da giữa hai nhóm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của Hydroquinone + dexamethasone nổi bật đáng kể so với TA [6]. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng TA có hiệu quả tương đương với tác dụng tích lũy của Hydroquinone và dexamethasone trong việc trị nám và TA cũng an toàn hơn so với HQ [6]

Một vấn đề đối với TA dạng bôi là khả năng thậm nhập của nó khá thấp [7], do đó công nghệ (ví dụ liposome) và công thức sản phẩm là một phần quan trọng giúp sản phẩm bôi TA phát huy hiệu quả tốt.

Bài review ngắn [14] cho rằng TA đường bôi cũng cho thấy có tiềm năng. Tuy nhiên, mặc dù các nghiên cứu sẵn có cho thấy hứa hẹn nhưng dữ liệu hiện tại còn hạn chế bởi cỡ mẫu nhỏ, thời gian điều trị ngắn, thiếu thông tin so sánh về liều lượng và thiếu dữ liệu theo dõi sau đó. Ngoài giải quyết các lỗ hổng kiến thức này thì cũng nên có các nghiên cứu sâu hơn về liều dùng toàn thân tối thiểu để có thể giải quyết các vấn đề về chi phí liên quan đến việc sử dụng thuốc [14]

h2|So sánh Tranexamic acid và Hydroquinone

a) Bôi TA và bôi HQ

Trong nghiên cứu [6] đã đề cập ở trên thì 3% TA và 3 HQ có tác dụng khá tương đương nhau

Ngoài ra, trong nghiên cứu [10] thì: 5% TA so sánh với 2% HQ thì cho kết quả tương đương, nhưng TA ít kích ứng hơn. Ở nghiên cứu [19] thì 5% TA so sánh với 4% HQ và cho kết quả khá tương đương (TA nhỉnh hơn một chút), và TA ở đây dùng dưới dạng bọc liposome

Tuy nhiên, TA dường như cho kết quả không nhất quán khi có một số nghiên cứu cho thấy TA không có hiệu quả đáng kể so với giả dược, ví dụ nghiên cứu [16]

b) Tiêm TA và bôi HQ

– So sánh với 2% HQ:

Trong nghiên cứu nửa mặt [12], 37 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để được tiêm TA vào da 3 buổi trong 3 tháng (mỗi tháng 1 lần) (ngẫu nhiên bên khuôn mặt trái/ phải) và bên khuôn mặt còn lại sẽ bôi HQ 2% mỗi tối 1 lần trong 3 tháng . Melanin và ban đỏ được đo lường cho mỗi bên khuôn mặt vào thời điểm bắt đầu điều trị cũng như cuối mỗi tháng. Kết quả cho thấy sự thuyên giảm của melanin của cả 2 nhóm và việc tiêm TA hàng tháng tốt hơn thoa HQ hàng ngày trong 4 tuần đầu tiên; nhưng sau 20 tuần thì những thay đổi tổng thể không quá khác biệt giữa 2 nhóm [12].

– So sánh với 4% HQ

Trong nghiên cứu [11], một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng phân chia khuôn mặt, 49 bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: A (24 người) và B (25 người). Bệnh nhân được tiêm TA trong da mỗi 2 tuần 1 lần ở bên mặt phải với nồng độ 4mg/ml ở nhóm A và nồng độ 10 mg/ml ở nhóm B. Ở nửa mặt bên trái thì cả hai nhóm đều sử dụng kem chứa 4% HQ hai lần mỗi ngày. Điểm số MASI được đo cho mỗi bên khuôn mặt ở thời điểm bắt đầu điều trị (baseline) và ở tuần 4,8,12 và 24.

Kết quả cho thấy 41 bệnh nhân (21 ở nhóm A và 20 ở nhóm B) hoàn thành nghiên cứu. Điểm MASI trong tuần thứ 12 giảm đáng kể so với lúc ban đầu ở nhóm A, B và nửa mặt dùng HQ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm A và B. Ngoài ra, so sánh TA ở nồng độ 4mg/ml (nhóm A) so với HQ 4% cho thấy điểm MASI ở tuần thứ 8 và tuần 12 thấp hơn đáng kể ở nhóm HQ (có nghĩa là HQ hiệu quả hơn). Nồng độ 4mg/ml ở nhóm A và 10mg/ml nhóm B không tạo ra khác biệt đáng kể và bệnh nhân của nhóm A hài lòng hơn bệnh nhân ở nhóm B [11]

Từ hai nghiên cứu trên, có thể thấy rằng tiêm TA có tác dụng ngang với HQ 2% (cải thiện nhanh hơn ở giai đoạn đầu, nhưng ở tuần 20 thì bằng nhau) và không hiệu quả bằng HQ 4%. Tuy nhiên, thông tin vẫn còn chưa đủ để kết luận cụ thể do các biến như: tần suất tiêm TA hay sử dụng HQ có ảnh hưởng đến kết quả hay không, và liệu sau khi kết thúc điều trị thì tỷ lệ tái phát như thế nào.

h1|Tóm tắt và kết luận
h2|Tóm tắt và kết luận

Nhìn chung, bài review [13] cho rằng phương pháp điều trị nám bằng TA cho kết quả tương đương hoặc hiệu quả hơn một số liệu pháp điều trị tiêu chuẩn khác và có thể ít gây ra tác dụng phụ hơn. Đánh giá của tác giả cho thấy TA là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho bệnh nám da vì có một số dữ liệu về hiệu quả đạt được khi sử dụng 1 mình và kết hợp với các phương pháp điều trị khác cũng như số lượng tác dụng phụ ít [13].

Cá nhân mình, theo các dữ liệu thu thập được thì:

– TA đường uống: Có hiệu quả nhanh, tuy nhiên sau khi dừng thì có khả năng tái phát, do đó nên có phác đồ điều trị kết hợp với các hoạt chất khác hoặc với TA dạng bôi. Liều dùng thường dùng là 250mg/lần và mỗi ngày 2 lần, có thể thấy kết quả trong 1 tháng và thời gian điều trị thông thường là 3 tháng. Chú ý là nồng độ TA cao không có nghĩa là có hiệu quả tốt mà thời gian duy trì lâu mới đạt được hiệu quả cao, do đó chỉ nên dùng nồng độ ở mức được đề nghị và dùng đủ thời gian quy định. Lưu ý nên thăm khám sức khỏe trước khi bắt đầu liệu trình

– TA đường tiêm và lăn kim: cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn, tuy nhiên nhìn chung thì hiệu quả kém hơn đường uống và có thể đạt ngang ngửa HQ 2%. Đối với đường tiêm thì nồng độ cao một lần nữa cũng không cho thấy sự vượt trội (ví dụ ở nghiên cứu 11, và nồng độ thường là 4mg/ml). So sánh giữa đường tiêm và lăn kim thì lăn kim với TA cho kết quả cao hơn một chút và được lý giải là do việc truyền dẫn thuốc được sâu và đồng đều trên da hơn thông qua các kênh vi mô được tạo ra bởi lăn kim [5].

– TA đường thoa: cần nhiều thêm nghiên cứu chặt chẽ để xác định đúng hiệu quả do các nghiên cứu hiện tại chưa có các kết quả nhất quán [4,16]. Tuy vậy, do khả năng thẩm thấu vào da khá thấp cũng như khá an toàn (có thể dùng đường uống cho mẹ bầu [17]) do đó nếu có hấp thụ một lượng nhỏ cũng không quá nguy hiểm. Từ đó, mình nhận thấy đây là một tác nhân có thể hỗ trợ trị nám cho các chị em lúc mang thai.

Nồng độ thường dùng trong các nghiên cứu là 2-5%, thời gian sử dụng thì thường là 3 – 4 tháng. Một vấn đề đối với TA dạng bôi là khả năng thậm nhập của nó khá thấp [7], do đó công nghệ (ví dụ liposome) và công thức sản phẩm là một phần quan trọng giúp sản phẩm bôi TA phát huy hiệu quả tốt => do đó, nếu có điều kiện thì nên lựa các sản phẩm TA chất lượng cao để phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, mặc dù có thể không hiệu quả nếu sử dụng một mình nhưng TA là một tác nhân nên được sử dụng bổ trợ đối với các liệu pháp trị nám khác do Tranexamic acid hiện tại là phương thức duy nhất có thể ngăn chặn sự kích hoạt của tế bào hắc tố bởi ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng của nội tiết tố và tế bào sừng bị thương thông qua ức chế hệ thống kích hoạt PA đã nhắc đến ở trên. Nó không chỉ có thể làm giảm sự hình thành của nám mà còn giảm khả năng tái phát nám sau khi sử dụng các phương pháp điều trị khác [4]. Do đó, để có thể ức chế hoạt động của quá trình tổng hợp melanin từ nhiều yếu tố hơn, nên kết hợp TA vào trong quy trình điều trị nám của bạn nhé!

h2|Các sản phẩm gợi ý

Mình gợi ý một số sản phẩm dạng bôi có Tranexamic acid ở các mức giá khác nhau. Như đã nói ở trên thì nồng độ TA trong sản phẩm dạng bôi là 2 – 5%.

+ Ở mức giá bình dân thì có các sản phẩm của Hada Labo nè (tuy rằng không có nồng độ Tranexamic cụ thể)

+ Ở mức giá cao hơn một chút thì có 2% Tranexamic acid của The Inkey List. Sản phẩm này có kết hợp thêm 2% Acai Berry làm đều màu da và 2% phái sinh Vit C là Ascorbyl Glucoside để làm sáng da (tuy nhiên nông độ VitC này khá thấp nên không biết hiệu quả như thế nào)

+ Ở khoảng giá cao cấp thì có Skinceuticals: chứa 3% Tranexamic acid, 5% Niacinamide, 1% Kojic acid – một formulate ráng đáng chú ý khi kết hợp các sản phẩm làm sáng da có hiệu quả và an toàn

h1|Reference

A) Research

[1] Karn D, KC S, Amatya A, Razouria EA, Timalsina M. Oral Tranexamic Acid for the Treatment of Melasma. Kathmandu Univ Med J 2012;10(4):40-43.

[2] Ker, K., Edwards, P., Perel, P., Shakur, H., & Roberts, I. (2012). Effect of tranexamic acid on surgical bleeding: systematic review and cumulative meta-analysis. Bmj, 344, e3054.

[3] Wu, S., Shi, H., Wu, H., Yan, S., Guo, J., Sun, Y., & Pan, L. (2012). Treatment of melasma with oral administration of tranexamic acid. Aesthetic plastic surgery, 36(4), 964-970.

[4] Tse, T. W., & Hui, E. (2013). Tranexamic acid: an important adjuvant in the treatment of melasma. Journal of cosmetic dermatology, 12(1), 57-66.

[5] Budamakuntla, L., Loganathan, E., Suresh, D. H., Shanmugam, S., Suryanarayan, S., Dongare, A., … & Prabhu, N. (2013). A randomised, open-label, comparative study of tranexamic acid microinjections and tranexamic acid with microneedling in patients with melasma. Journal of cutaneous and aesthetic surgery, 6(3), 139.

[6] Ebrahimi, B., & Naeini, F. F. (2014). Topical tranexamic acid as a promising treatment for melasma. Journal of research in medical sciences: the official journal of Isfahan University of Medical Sciences, 19(8), 753.

[7] Kim, S. J., Park, J. Y., Shibata, T., Fujiwara, R., & Kang, H. Y. (2016). Efficacy and possible mechanisms of topical tranexamic acid in melasma. Clinical and experimental dermatology, 41(5), 480-485.

[8] Wang, J. V., Jhawar, N., & Saedi, N. (2019). Tranexamic Acid for Melasma: Evaluating the Various Formulations. The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, 12(8), E73.

[9] Lee, J. H., Park, J. G., Lim, S. H., Kim, J. Y., Ahn, K. Y., KIM, M. Y., & Park, Y. M. (2006). Localized intradermal microinjection of tranexamic acid for treatment of melasma in Asian patients: a preliminary clinical trial. Dermatologic surgery, 32(5), 626-631.

[10] Atefi, N., Dalvand, B., Ghassemi, M., Mehran, G., & Heydarian, A. (2017). Therapeutic effects of topical tranexamic acid in comparison with hydroquinone in treatment of women with melasma. Dermatology and therapy, 7(3), 417-424.

[11] Pazyar, N., Yaghoobi, R., Zeynalie, M., & Vala, S. (2019). Comparison of the efficacy of intradermal injected tranexamic acid vs hydroquinone cream in the treatment of melasma. Clinical, cosmetic and investigational dermatology, 12, 115.

[12] Saki, N., Darayesh, M., & Heiran, A. (2018). Comparing the efficacy of topical hydroquinone 2% versus intradermal tranexamic acid microinjections in treating melasma: a split-face controlled trial. Journal of Dermatological Treatment, 29(4), 405-410.

[13] Perper, M., Eber, A. E., Fayne, R., Verne, S. H., Magno, R. J., Cervantes, J., … & Nouri, K. (2017). Tranexamic acid in the treatment of melasma: a review of the literature. American Journal of Clinical Dermatology, 18(3), 373-381.

[14] Sheu, S. L. (2018). Treatment of melasma using tranexamic acid: what’s known and what’s next. Cutis, 101(2), E7-E8.

[15] Lee, A. Y. (2015). Recent progress in melasma pathogenesis. Pigment cell & melanoma research, 28(6), 648-660.

[16] Topical 5% tranexamic acid for the treatment of melasma in Asians: A double-blind randomized controlled clinical trial

[17] Peitsidis, P., & Kadir, R. A. (2011). Antifibrinolytic therapy with tranexamic acid in pregnancy and postpartum. Expert opinion on pharmacotherapy, 12(4), 503-516.

[18] Padhi, T., & Pradhan, S. (2015). Oral tranexamic acid with fluocinolone-based triple combination cream versus fluocinolone-based triple combination cream alone in melasma: an open labeled randomized comparative trial. Indian journal of dermatology, 60(5), 520.

[19] Banihashemi, M., Zabolinejad, N., Jaafari, M. R., Salehi, M., & Jabari, A. (2015). Comparison of therapeutic effects of liposomal Tranexamic Acid and conventional Hydroquinone on melasma. Journal of cosmetic dermatology, 14(3), 174-177.

Trích Nguồn: callmeduy.com Bạn cần tìm hiểu thêm hay có câu hỏi có thể liên hệ chúng tôi để được giải đáp

ĐK tư vấn
error: Content is protected !!
0989 342 343