Rạn da – nguyên nhân và hướng điều trị

Rạn da (stretch marks) thường xảy ra ở những vùng da mỏng và yếu như da vùng bụng, mặt trong đùi, bẹn, mông…Tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng rạn da lại làm mất đi vẻ đẹp của cơ thể, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây ra rạn da là gì và hướng điều trị ra sao? Hãy đi tìm câu trả lời bên dưới để làm sáng tỏ điều này.

I. TỔNG QUAN RẠN DA

Rạn da là một dạng sẹo trung bì liên quan đến sự kéo dãn của lớp bì, hình ảnh đặc trưng là những vết rạn dài màu đỏ, phẳng, vuông góc với hướng căng của da ở giai đoạn sớm (striae rubrae) và chuyển màu trắng như sẹo lõm ở giai đoạn mãn tính ( striae albae).
Vết rạn da có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng phổ biến hơn ở những vùng có mỡ dưới da cao như bụng, ngực, đùi, cánh tay trên, mông.
Rạn da không ảnh hưởng sức khỏe, có thể gây ngứa nhẹ trong giai đoạn cấp. Tuy nhiên rạn da là khuyết điểm lớn về ngoại hình của nữ giới, gây mặc cảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống.

II. NGUYÊN NHÂN


– Thay đổi nội tiết: nhiều nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng sự thay đổi nội tiết tố là một trong những yếu tố nguy cơ chính cho sự phát triển của rạn da, khi có sự gia tăng hormon cortisone làm cho da giữ nước quá mức và trở nên kém đàn hồi.
– Tăng cân đột ngột: người béo phì và thừa cân thường có những vết rạn trên các bộ phận khác nhau trên cơ thể nơi da bị kéo dãn vượt quá độ đàn hồi khiến da bị rạn.
– Mang thai: tần suất các vết rạn da xảy ra do hậu quả của thai kỳ được ước tính từ 43% đến 88% (do đó, rạn da phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới); ngoài việc tăng cân do mang thai thì phụ nữ cũng trải qua những biến động nội tiết tố góp phần vào sự phát triển của các vết rạn da; phụ nữ mang thai khi còn quá trẻ có nhiều khả năng bị rạn da hơn so với khi mang thai ở độ tuổi trưởng thành hơn.
– Tăng trưởng ở tuổi dậy thì: rạn da cũng xuất hiện ở thanh thiếu niên do trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh, cơ thể phát triển vượt qúa mức đàn hồi của da.
– Tập thể hình: khi cơ bắp phát triển quá nhanh, da ở trên có thể bị căng quá mức và rách, hình thành vết rạn da.
– Lạm dụng kem bôi có steroid: sử dụng kem có chứa steroid tại chỗ kéo dài làm teo da, mỏng da và rạn da.
– Di truyền: người có tiền sử gia đình bị rạn da cũng có nguy cơ bị rạn da, thường liên quan đến rạn da trong thai kỳ.
– Nguyên nhân khác: do một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến độ đàn hồi của da như hội chứng Cushing, hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan…

III. ĐIỀU TRỊ


– Không có tiêu chuẩn vàng để điều trị rạn da.
– Khuyến cáo nên điều trị khi các vết rạn da đang ở giai đoạn sớm (striae rubrae) khi vết rạn mới hình thành và có màu tím, đỏ. Khi vết rạn chuyển sang giai đoạn mãn tính (striae albae) với hình ảnh sẹo lõm màu trắng thì điều trị ít hiệu quả hơn.
– Sử dụng phối hợp nhiều phương pháp để cho kết quả tốt nhất.

1. BÔI TẠI CHỖ

– Điều trị tại chỗ có thể hiệu quả hơn trong việc giảm sự xuất hiện của vết rạn da khi được sử dụng ở giai đoạn đầu, bắt đầu điều trị ngay khi thấy vết rạn hình thành.
– Retinoids tại chỗ đã được chứng minh là có hiệu quả nhất để điều trị rạn da giai đoạn sớm, sử dụng hàm lượng 0,1% có hiệu quả tốt hơn so với hàm lượng thấp hơn; không được sử dụng trong thai kỳ.


– Một số sản phẩm tự nhiên như dầu dừa, dầu cọ, dầu oliu, dầu hạnh nhân, nha đam cũng có hiệu quả trong giảm rạn da, tuy nhiên bằng chứng chưa rõ.
– Các loại kem tổng hợp chứa Vitamin C, E cũng được sử dụng trong điều trị rạn da, hiệu quả chưa được chứng minh.
– Luôn sử dụng kem dưỡng ẩm cho các vết rạn da mới, axit hyaluronic được chứng minh giúp làm mờ các vết rạn da sớm.

2. CAN THIỆP XÂM LẤN

– Laser Fractional CO2: là lựa chọn đầu tiên trong điều trị rạn da giai đoạn mãn tính (striae albae), một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của laser fractional Co2 trong việc cải thiện kết cấu da liên quan đến striae albae chỉ trong vài tháng dựa trên nguyên lý gây ra thương tổn cho da để thúc đẩy quá trình chữa lành, kích thích các nguyên bào sợi sản xuất collagen và elastin, cải thiện cấu trúc da.


– Laser Er YAG 2940nm: cũng là lựa chọn tốt trong điều trị rạn da striae albae, nghiên cứu của Shen năm 2017 kết hợp laser Er YAG 2940, các yếu tố tăng trưởng và chiếu ánh sáng đỏ cho thấy có sự cải thiện ở tất cả 30 bệnh nhân tham gia điều trị, kết quả sinh thiết da sau điều trị cho thấy sự gia tăng độ dày biểu bì, độ dày lớp bì và mật độ collagen, elastin so với trước điều trị.


Lăn kim (needling) và lăn kim RF (RF Needling): tạo các tổn thương ở da để kích thích quá trình lành thương, tái tạo da, tuy nhiên hiệu quả không bằng laser fractional Co2.
– Lột da hoá học (peeling): kích thích sản xuất collagen thông qua việc gây ra tổn thương cho da.
– Cấy chỉ: chưa có nhiều nghiên cứu trong cải thiện rạn da, nhưng cũng là một phương pháp nhiều tiềm năng.
PRP: sử dụng trong điều trị rạn da trong cả 2 giai đoạn bằng phương pháp mesotherapy phối hợp với laser fractional Co2 hoặc lăn kim, có nhiều tiềm năng trong cải thiện rạn da.

3. CAN THIỆP KHÔNG XÂM LẤN

Laser Nd YAG: bước sóng 1064 được ưu tiên sử dụng trong các giai đoạn đầu của vết rạn da dựa trên sự kích thích sản xuất collagen và elastin, giúp cải thiện kết cấu tổng thể của da đối với các vết rạn ở giai đoạn đầu.


IPL: phương pháp thay thế tiềm năng cho liệu pháp laser trong các vết rạn da giai đoạn đầu, giúp thay đổi màu sắc, kết cấu và chiều rộng của vết rạn da; đầu lọc bước sóng 590nm được đánh giá có hiệu quả hơn bước sóng 650nm.
– RF: sử dụng năng lượng sóng điện từ để làm nóng bề mặt da, giúp làm săn chắc da, kích thích sản xuất collagen, cải thiện vết rạn da.
HIFU: sử dụng sóng siêu âm hội tụ tạo ra các vi tổn thương dưới da, thúc đầy quá trình lành thương, kích thích tăng sinh collagen, làm săn chắc da, cải thiện vết rạn da.

IV. PHÒNG NGỪA


– Một số nghiên cứu cho thấy rau má và axit hyaluronic có thể giúp ngăn ngừa rạn da, các triterpenoids pentacyclic trong rau má có khả năng thúc đẩy tái tạo tế bào da, kích thích sự tổng hợp collagen giúp cải thiện bề mặt da, tăng độ đàn hồi cho da, có thể bổ sung bằng đường uống.
– Đảm bảo lượng nước cung cấp cho cơ thể: duy trì lượng nước tối ưu đảm bảo rằng làn da được ngậm nước, da ngậm nước có khả năng trở nên dẻo dai và đàn hồi, khiến da ít bị rách hơn khi bị tác động bởi lực kéo dãn do tăng cân nhanh chóng.
– Luôn giữ ẩm bề mặt da bằng các loại tinh dầu tự nhiên hoặc kem có chứa thành phần axit hyaluronic.


– Duy trì cân nặng ổn định để tránh các vết rạn da, có chế độ tăng cân phù hợp khi mang thai.
– Uống bổ sung vitamin C, D, E, kẽm và collagen trong giai đoạn có nguy cơ hoặc xuất hiện vết rạn da sớm.

Trả lời

ĐK tư vấn
error: Content is protected !!
0989 342 343